Các doanh nghiệp trong nước đang chú trọng đầu tư cho bao bì để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm đối với hàng ngoại nhập, dự kiến theo chân các nhà bán lẻ ào ạt vào VN từ năm 2009.
Các doanh nghiệp trong nước đang chú trọng đầu tư cho bao bì để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm đối với hàng ngoại nhập, dự kiến theo chân các nhà bán lẻ ào ạt vào VN từ năm 2009. Ở các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hiệu, gian hàng nào có trưng bày sản phẩm mẫu mã đẹp, lạ mắt sẽ thu hút người mua nhiều nhất.
Mạnh tay đầu tư cho bao bì.
Nắm được tâm lý này, nhiều công ty đã không ngần ngại đổ chi phí đầu tư vào bao bì, dù sau chiến dịch này, họ có thể mất lợi thế về giá bán, nhưng bù lại, doanh thu tăng mạnh hơn và người tiêu dùng nhớ đến thương hiệu nhiều hơn. Một ví dụ cho trường hợp này là Vinamilk. Chuẩn bị mùa lễ, Tết sắp tới, Vinamilk không ngần ngại cho thiết kế, in ấn bao bì mới mang thông điệp xuân đến người tiêu dùng. Chi phí Vinamilk bỏ ra cho các chương trình thay đổi mẫu mã như thế này thường chiếm khoảng 10% tổng chi phí. Đây quả là con số không nhỏ, thế nhưng ông Trần Bảo Minh, Phó Tổng Giám đốc Vinamilk, hồ hởi cho rằng bao bì bắt mắt đã góp phần tăng doanh số đáng kể cho Vinamilk khi vừa mới tung hàng ra thị trường mấy ngày qua.
Nhiều người cũng vô cùng ngạc nhiên khi Nutifood đột ngột cho thiết kế lại hầu hết bao bì đựng sản phẩm tiêu dùng. Một số ý kiến cho rằng Nutifood liều lĩnh vì sản phẩm đã có thương hiệu, đã được đông đảo người tiêu dùng chấp nhận, không khéo có thể tạo hiệu ứng ngược. Tuy nhiên, một số sản phẩm mới của Nutifood vừa xuất hiện vào đầu tháng 6-2007, nhưng theo đại diện công ty này, doanh số đã tăng 50%, trong đó bao bì đóng góp khoảng 35%-40% cho sự thành công này.
Một nữ doanh nhân chia sẻ rằng bà không hiểu tại sao cùng loại sản phẩm, vị trí trưng bày hàng hóa như nhau nhưng sản phẩm của đối thủ cạnh tranh luôn thu hút người tiêu dùng, dù rằng sản phẩm của công ty bà có giá trị cao hơn sản phẩm đối thủ, ít ra là ở “thành phần sản phẩm” (được in trên bao bì). Cất công tìm hiểu và cử một số nhân viên khảo sát, vị giám đốc này mới “ngộ” ra là do bao bì không bắt mắt, người tiêu dùng không ngó tới thì làm sao đọc được những gì mà công ty “nắn nót” ghi trên đó. Sau đó, công ty này luôn dành khoảng từ 5%-10% chi phí cho việc thiết kế, nghiên cứu “chiếc áo” của sản phẩm.
Bán hàng “chạy” nhờ bao bì.
Theo thống kê của Liên hiệp Chế tạo máy móc Đức (VDMA), 500 tỉ USD là trị giá sản xuất bao bì toàn cầu. Ngày nay, ngành bao bì không chỉ được chú trọng tại các nước phát triển, mà các nước đang phát triển, trong đó có VN, cũng coi trọng lĩnh vực này. Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại VN nhận định: Khi VN mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ vào đầu năm 2009, chắc chắn sẽ có một “cuộc chiến bao bì” giữa các công ty. Bởi hơn ai hết, họ nhận thức được tầm quan trọng của bao bì trong việc ra quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Hiện nay, tìm được công ty nào đáp ứng đầy đủ các tiêu chí bao bì như đẹp, tiện dụng, an toàn cho sản phẩm, thân thiện môi trường… cũng rất khó. Ngoài ra, duy trì các tiêu chí này càng khó hơn bởi môi trường kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của con người luôn thay đổi. Do đó, các công ty sẽ đầu tư chi phí mạnh vào bao bì; và khi đó, ngành bao bì của VN có thể sẽ trở thành ngành kinh doanh triệu đô.